Thiết kế nội thất xanh hướng tới toàn bộ chu kỳ vòng đời của sản phẩm. Trong giai đoạn thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết cần phải tính toán thấu đáo ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm trong chế tạo, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm sau khi hỏng… Tái sử dụng vật liệu giúp giảm thiểu vật liệu, giảm năng lượng tiêu hao trong quy trình tái chế, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Xu hướng tất yếu
Công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm chỉ đạo, coi đó là một trong ba trụ cột phát triển bền vững với quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng đã quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu;… xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ – năm 2050.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tại Phụ lục I về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, các lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tđ, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng); Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; Tòa nhà.
Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ giao trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Việc triển khai xây dựng mới, hoặc cải tạo các công trình hiện có đạt các tiêu chí của Công trình xanh (giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường…) là một trọng tâm của ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Trong xu hướng phát triển đó, kiến trúc nội thất không nằm ngoài “dòng chảy”. Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khí hậu biến đổi nhanh chóng do con người tàn phá tự nhiên, kiến trúc xanh và nội thất xanh đang trở thành xu hướng được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phạm vi công trình xanh và kiến trúc xanh rất rộng, bài viết chỉ đề cập đến thiêt kế nội thất xanh, trong đó nhấn mạnh việc tái sử dụng vật liệu, một “mảnh ghép” không thể thiếu trong thiết kế xanh.
Thiết kế nội thất xanh, hướng tới chu kỳ vòng đời sản phẩm
Cập nhất các xu hướng kiến trúc, thiết kế trên thế giới, đặc biệt là thiết kế nội thất, cho thấy nội thất cũng theo mode. Thời kỳ “nồi đồng cối đá” qua rồi, giờ con người quan tâm nhiều đến chất lượng cuộc sống, trong đó có không gian sống. Kiến trúc là không gian; nội thất là cảm xúc. Khi mở cửa một không gian thì cảm xúc là nghe, nhìn, sờ, chạm. Nhìn là cái nhìn ban đầu, quan trọng chạm, nghe, ngửi và cảm nhận.
Bước vào một không gian, con người cảm nhận ra sao thì nội thất giải quyết vấn đề đó, bởi nội thất mang lại cảm xúc cho người ở; thể hiện cá nhân hoá nhưng cá nhân hoá của chủ nhà, không phải cá nhân của người thiết kế… Nếu KTS làm công trình, chỉ chú ý không gian, xem nhẹ nội thất thì không gian và cảm xúc khó ăn nhập, bị khô cứng. Vì vậy, các KTS cần quan tâm đến chất liệu trong nội thất; cập nhật chất liệu mới, mẫu thiết kế mới và tư vấn cho khách hàng, thay đổi xu thế vật liệu, chất liệu trong nội thất cho phù hợp.
Hiện nay, nội thất xanh, còn được gọi là phong cách Eco – một khái niệm có tính biểu trưng cho cách thiết kế và sử dụng nội thất thân thiện, an toàn với môi trường đang được KTS và chủ đầu tư quan tâm. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Nhưng theo quan điểm của tôi, thiết kế nội thất xanh, đó là thiết kế hướng tới toàn bộ chu kỳ vòng đời của sản phẩm. Trong giai đoạn thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết cần phải tính toán thấu đáo ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm trong chế tạo, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm sau khi hỏng… Tái sử dụng vật liệu giúp giảm thiểu vật liệu, giảm năng lượng tiêu hao trong quy trình tái chế, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Gắn liền với giải pháp môi trường 3R
Khái niệm về vật liệu tái sử dụng được hiểu khác với vật liệu tái chế – tái sử dụng vật liệu gỗ là việc sử dụng lại nguồn rác thải từ gỗ một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của gỗ, sản phẩm mới được tạo nên từ sản phẩm cũ, hoặc một phần từ sản phẩm cũ và được sử dụng nhiều lần cho đến hết tuổi thọ của sản phẩm. Tái chế vật liệu là việc sử dụng lại nguồn rác thải như gỗ, sắt, thép…., sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị, dẫn đến có thể thay đổi các tính chất cơ bản của sản phẩm. Khi đã pha tạp cùng các vật liệu phụ gia khác, rất khó để thu hồi tái chế lại tạo ra vòng đời khép kín cho sản phẩm.
Thiết kế nội thất xanh gắn liền với giải pháp môi trường 3R: Reduce – Reuse – Recycle (Tiết giảm – tái sử dụng – tái chế). Một số vật liệu có khả năng tái chế được sử dụng phổ biến hiện nay như gỗ, cói, mây, tre, thủy tinh, đá, vải, giấy… Trong đó phải kể đến vật liệu gỗ, đá hay kính cường lực trong suốt. Sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các vật liệu tạo nên không gian sống lành mạnh, nhưng không kém phần sang trọng.
Tái sử dụng những món đồ cũ, đang trở thành xu thế lớn trong ngành kiến trúc nội thất, với tên gọi “Upcycling”. Trong đó, việc tái sử dụng đồ dùng cũ để trang trí độc đáo, sáng tạo là yếu tố cốt lõi. Các vật liệu thân thiện với môi trường được tái chế để sử dụng, có thể kể đến như tre, mây, cói, thủy tinh, nhựa, đá, giấy, vải… Hiện nay, vật liệu được tái chế phổ biến nhất đó là gỗ, tiêu biểu là cork.
Nội thất tối giản, tích hợp: Nội thất thông minh, tối giản là một yếu tố quan trọng giúp không gian ngôi nhà được thoáng đãng. Các sản phẩm tích hợp như bàn ăn kết hợp kệ tủ để đồ hay giường ngủ có hộc kéo… sẽ giúp không gian sống thêm tiện nghi. Không ai quy định cái bàn phải hình vuông, có 4 chân; bàn chỉ cần là mặt phẳng, có thể 4 chân, 1 chân, có thể treo….
Sử dụng cây xanh, tạo không gian xanh: Mặc dù việc chăm sóc cây xanh để tạo mảng xanh thật sự trong không gian sống đòi hỏi nhiều công sức. Nhưng thiết kế xanh không thể thiếu cây xanh, giúp không gian sống sinh động, mềm mại, tươi mới, đem lại cho con người cảm giác bình yên, dễ chịu. Đây cũng là một giải pháp giúp đưa thiên nhiên đến gần hơn với cuộc sống của con người, có thể thiết kế thảm cỏ hoặc cây dây leo theo từng chùm cho ban công, sắp xếp thêm đá và sỏi hoặc chum nước để tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, bình yên…
Ánh sáng cho nội thất xanh: Để không gian sống thoáng đáng, lấy được ánh sáng tự nhiên, các KTS sử dụng kính trong thiết kế, vật liệu lấy sáng hiệu quả, tạo không gian thoáng đãng.
Hiện nay các KTS và nhà thầu xây dựng đã ưu tiên chọn bóng đèn huỳnh quang cho nhà ở. Chúng giúp tiết kiệm điện hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng. Sử dụng bóng đèn huỳnh quang sẽ giúp hạn chế khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường.
Sản phẩm nội thất có hàm lượng VOC thấp. Hàm lượng VOC thường có mặt trong các sản phẩm nội thất gia dụng, sơn tường hoặc thảm… Đây là các chất hữu cơ dễ bay hơi nên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế khi lựa chọn nội thất hoặc nguyên vật liệu thi công, bạn cần xem xét kỹ lưỡng. Hãy chọn các sản phẩm có hàm lượng VOC thấp để bảo vệ các thành viên trong gia đình tốt nhất.
Việc tái sử dụng các vật liệu và cấu trúc ngày càng trở nên phổ biến trong kiến trúc như là những giải pháp thay thế cho việc sản xuất các thành phần trong xây dựng, thường liên quan đến việc tăng tiêu thụ năng lượng và mức độ ô nhiễm cao thải vào khí quyển. Khi sử dụng 1 sản phẩm nội thất, ta luôn đặt câu hỏi: Vòng đời tiếp theo của sản phẩm là gì? Giúp giảm thiểu tối đa việc xả rác thải xây dựng ra môi trường.
Gạt bỏ tư duy “buộc phải” để sáng tạo
Định hướng phát triển phong cách nội thất là màu trong cuộc sống, trộn màu cơ bản ra nhiều màu, trộn ra màu ta thích gọi là phong cách. Sau cùng là gạt bỏ tư duy “buộc phải”, để sáng tạo và phá cách, không có gì là phải, cuối cùng đáp ứng chức năng thẩm mỹ.
Quan điểm giúp các thiết kế nội thất loại bỏ hết chi tiết rườm rà; mỗi sản phẩm thiết kế và thi công đều mang đến cho khách hàng một không gian sống và làm việc sang trọng, đậm phong cách cá nhân, với sự hài lòng nhất và giá trị bền vững nhất. Kết hợp các ý tưởng về công năng, màu sắc, ánh sáng, thẩm mĩ, tinh thần… cộng sự tâm huyết trong thiết kế và xây dựng tạo nên không gian sống và làm việc tốt nhất, hoàn hảo nhất.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Ngành Xây dựng chiếm đến 75% lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Đá, cát, sắt, gỗ và nhiều nguồn tài nguyên hữu hạn khác được khai thác với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường.
Ngoài ra, các công trình tạo ra một lượng lớn chất thải thông qua xây dựng, phá huỷ hoặc tu sửa. Các chất thải thường kết thúc tại bãi chôn lấp và bãi rác, gây ảnh hưởng đến môi trường. Giải pháp thiết kế xanh, tái sử dụng vật liệu gỗ, tái chế gỗ góp phần giảm thiểu chất thải, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn trong xây dựng và cần được phát triển và nhân rộng, hướng tới xây dựng một Việt Nam phát triển xanh, bền vững, trong đó có đóng góp quan trọng của các nhà xây dựng, các KTS.