(Xây dựng) – Hẹn làm việc với Ths.KTS Trần Thanh Tùng – Văn phòng BoxDesign về thiết kế xanh, sử dụng vật liệu tái chế. Bước vào điểm hẹn, tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi khác với hình dung ban đầu, KTS Tùng rất trẻ, năng động.
Ths.KTS Trần Thanh Tùng – Văn phòng BoxDesign. |
Đam mê tái sử dụng vật liệu và thiết kế xanh
Trong không gian quán café Cộng, trò chuyện với Tùng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và dần lý giải vì sao “hồn” lắng đọng trong các tác phẩm thiết kế của anh chứa đầy sự sáng tạo, cá tính, đơn giản mà tinh tế. Ở Tùng, ngoài chất nghệ sỹ, tôi cảm nhận một chất rất “đời”, đó là sự thẳng thắn, rõ ràng trong lời nói, tư duy và phong cách, với lối tư duy mở đầy sáng tạo…
Câu chuyện trở nên sôi nổi khi nói về tái sử dụng vật liệu trong thiết kế. Tùng đam mê thiết kế nội thất, đam mê với gỗ tái chế. Anh đưa tất cả đam mê ấy vào trong thiết kế; cho ra sản phẩm là những ngôi nhà mang đậm phong cách tối giản nhưng tinh tế, cá tính mà sâu sắc…
Khi hỏi tại sao Tùng đam mê với thiết kế xanh và dành nhiều tâm huyết cho thiết kế tái sử dụng lại vật liệu? Trở về tuổi thơ, Tùng tâm sự: Khi còn nhỏ, gia đình Tùng ở cạnh xưởng gỗ, luôn chứng kiến rác thải mùn cưa và gỗ phế thải từ xưởng gỗ rất nhiều, thông thường sẽ đốt bỏ. Hình ảnh gỗ và câu hỏi vòng đời của rác thải gỗ đi về đâu đã đi sâu vào tiềm thức của Tùng, từ ngày ấy.
Sau này, khi làm luận văn thạc sỹ, cơ duyên đến với đề tài “tái sử dụng vật liệu trong nội thất các công trình công cộng” giúp Tùng phát triển sâu hơn các ý tưởng, đưa vật liệu tái sử dụng vào trong thiết kế; bởi sản phẩm tái sử dụng là sản phẩm thân thiện với môi trường; thể hiện tính “xanh” trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ sản xuất đến sử dụng, thậm chí sau khi sử dụng, xử lý thải đều không làm hại đến môi trường sinh thái.
Theo KTS Tùng, xu hướng tái sử dụng vật liệu là “mảnh ghép” không thể thiếu trong thiết kế xanh. Đó là thiết kế hướng tới toàn bộ chu kỳ vòng đời của sản phẩm. Trong giai đoạn thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết cần phải tính toán thấu đáo ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm trong chế tạo, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm sau khi hỏng… Tái sử dụng vật liệu giúp giảm thiểu vật liệu sử dụng, năng lượng tiêu hao trong quy trình tái chế, tái sử dụng rất nhỏ, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tùng chia sẻ: Khái niệm về tái sử dụng khác với tái chế. Nếu tái chế là sử dụng lại nguồn rác thải, dùng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ vật liệu tái chế, có thể thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu tái chế. Thì tái sử dụng vật liệu là sử dụng lại nguồn rác thải từ vật liệu đó một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của vật liệu, sản phẩm mới được tạo nên từ sản phẩm cũ hoặc một phần từ sản phẩm cũ và được sử dụng nhiều lần cho đến hết tuổi thọ của sản phẩm. Cũng phải nhấn mạnh, xu hướng tái sử dụng vật liệu trên thế giới được các kiến trúc sư, chủ đầu tư dự án quan tâm.
Kiến trúc là không gian, nội thất là cảm xúc
Là kiến trúc sư trẻ, luôn cập nhật các xu hướng thiết kế trên thế giới, đặc biệt là thiết kế nội thất, KTS. Tùng chia sẻ: Nội thất cũng theo mode. Thời kỳ “nồi đồng cối đá” qua rồi, giờ con người quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Kiến trúc là không gian; nội thất là cảm xúc. Khi mở cửa một không gian thì cảm xúc là nghe, nhìn, sờ, chạm. Nhìn là cái nhìn ban đầu, quan trọng chạm, nghe, ngửi và cảm nhận. Nội thất giải quyết vấn đề đó. Bước vào một không gian, con người cảm nhận ra sao thì nội thất giải quyết vấn đề đó, bởi nội thất mang lại cảm xúc cho người ở; thể hiện cá nhân hoá nhưng cá nhân hóa của chủ nhà, không phải cá nhân của người thiết kế… Nếu kiến trúc sư làm công trình, chỉ chú ý không gian, xem nhẹ nội thất thì không gian và cảm xúc khó ăn nhập, bị khô cứng.
Một công trình do KTS. Tùng thiết kế, thi công. |
Trên quan điểm đó, các thiết kế của KTS. Tùng luôn quan tâm đến chất liệu trong nội thất; cập nhật chất liệu mới, mẫu thiết kế mới và tư vấn cho khách hàng, thay đổi xu thế vật liệu, chất liệu trong nội thất cho phù hợp.
Gạt bỏ tư duy “buộc phải” để sáng tạo
Khi được hỏi về định hướng trong phong cách thiết kế, Tùng cho biết: Định hướng phát triển phong cách nội thất là màu trong cuộc sống, trộn màu cơ bản ra nhiều màu, trộn ra màu ta thích gọi là phong cách. Sau cùng là gạt bỏ tư duy bắt buộc phải, để sáng tạo và phá cách, không có gì là phải, cuối cùng đáp ứng chức năng thẩm mỹ.
Quan điểm đó lý giải tại sao các thiết kế của Tùng được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng bởi loại bỏ hết chi tiết rườm rà; mỗi sản phẩm thiết kế và thi công đều mang đến cho khách hàng một không gian sống và làm việc sang trọng, đậm phong cách cá nhân, với sự hài lòng nhất và giá trị bền vững nhất.
Kết hợp các ý tưởng về công năng, màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ, tinh thần… Tùng và cộng sự dành tâm huyết thiết kế và xây dựng những không gian sống và làm việc tốt nhất, hoàn hảo nhất; thi công kiến trúc và nội thất, hiện thực hóa ý tưởng của thiết kế và mong muốn của chủ đầu tư thông qua việc sử dụng vật liệu phù hợp…
Với gần 7 năm kinh nghiệm trong nghề nội thất, Tùng và cộng sự đã thiết kế rất nhiều dự án, rất nhiều ngôi nhà và các không gian công cộng; cũng đã thiết kế rất nhiều hạng mục công trình từ công cộng đến nhà ở, từ trong nước đến nước ngoài (chủ yếu tại Đức)
Ngành Xây dựng chiếm đến 75% lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Đá, cát, sắt, gỗ và nhiều nguồn tài nguyên hữu hạn khác được khai thác với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, các công trình tạo ra một lượng lớn chất thải thông qua xây dựng, phá hủy hoặc tu sửa. Các chất thải thường kết thúc tại bãi chôn lấp và bãi rác, gây ảnh hưởng đến môi trường. Giải pháp thiết kế xanh, tái sử dụng vật liệu gỗ, tái chế gỗ góp phần giảm thiểu chất thải, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn trong xây dựng và cần được các kiến trúc sư như Tùng phát triển và nhân rộng, hướng tới xây dựng một Việt Nam phát triển xanh, bền vững, trong đó có đóng góp quan trọng của các nhà xây dựng, các kiến trúc sư.